1) Đường đi
– Đường đi trong cảnh quan kiểu Âu thường sử dụng đường thẳng, các điểm giao thông cắt nhau rõ ràng, lối đi luôn thoáng đãng giống như tính cách con người cởi mở, phóng khoáng.
– Khác với kiểu Âu, người châu Á luôn tạo lối đi uốn lượn, vòng vo hàm ẩn ngũ hành, phong thủy. Lối đi mô phỏng các dạng năng lượng tự nhiên như gió, nước, thác đổ…vv. Các nút giao thông có sự chuyển giao mềm mại, nối nhau bất quy tắc. Qua đó cho thấy sự liên kết chặt chẽ của các mối quan hệ trong cuộc sống (gia đình, bạn bè, xã hội, …).
Ngã ba đường được uốn cong cho cảm giác liền mạch và mềm mại.
2) Cây xanh
– Cảnh quan châu Âu thường sử dụng các cây mang màu sắc trung tính, thường trồng thành thảm lớn, chiều cao của thực vật phân tầng rõ rệt. Cây xanh sử dụng là các cây đặc trưng cho vùng như cây lá kim, cây họ thông,…
– Trái lại cảnh quan Châu Á lại ưu tiên sự đa dạng về chủng loại, màu sắc, tính nghệ thuật (bonsai, cây kiểng). Cây xanh nhiều màu sắc sinh động, trồng xen kẽ nhau. Một khu vườn sẽ trông giống như một khu rừng thu nhỏ.
3)Vật liệu
– Vườn châu Âu thường sử dụng gạch, đá làm lối đi, các vật liệu trang trí thường là kim loại có hình uốn lượn đặc trưng cho phong cách châu Âu. Các viên gạch được cắt xẻ có hình khối rõ ràng và đồng bộ nhau. Các khu vực cảnh quan có sự phân biệt về vật liệu.
– Vườn châu Á thường có sự giao thoa lẫn nhau như cỏ mọc trong lối đi, các tảng đá trong hồ cá, lối đi là các cá phiến đá có hình dáng không giống nhau…vv. Không có sự phân biệt rõ ràng và ưu tiên sử dụng các vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, sỏi.
4) Thiết kế
– Vườn châu Âu chú trọng tính đối xứng, hình học. Ưa thích sử dụng tượng đá, đài phun nước làm điểm nhấn.
– Vườn châu Á lại ưa chuộng sự hài hòa, nhiều màu sắc. Các điểm nhấn từ gỗ, đá là các hình khối không rõ ràng, mang ý nghĩ trừu tượng. Cảnh quan châu Á thường mô phỏng lại tổng thể tự nhiên.
Nhìn chung có thể thấy rằng, lối thiết kế cảnh quan châu Âu hướng tới phản ánh tính cách con người phóng khoáng, đề cao cái tôi và vai trò của con người. Người châu Á lại thích sự mềm mại, đề cao tính xã hội, và có xu hướng tái hiện lại tự nhiên một cách chân thực. Những điểm khác nhau trong cảnh quan giúp chúng ta hiểu thêm về hai nền văn hóa, là tiền đề cho sự sáng tạo cảnh quan hiện đại.
—————————